Tiểu sử Hà_Hồng_Sân

Gốc gác

Cụ cố là Charles Henry Maurice Bosman (họ Bos-man phiên âm tiếng Quảng Đông là Hà Sĩ Văn), một thương nhân người Hà Lan gốc Do Thái, sau này có quốc tịch Anh.

Sự kiện Hồng Kông mở cửa các thương cảng năm 1842 đã thu hút nhóm thương nhân tìm kiếm cơ hội kinh doanh và thám hiểm, Hà Sĩ Văn là một trong đó. Ông đặt chân tới Hồng Kông năm 1859 và rời đi năm 1873. Ông có mối quan hệ với bà Thi Đệ (施娣), một phụ nữ Trung Quốc trong thời gian 14 năm lưu trú tại đây. Giá trị đạo đức Nho giáo và tầng lớp phong kiến thống trị không cho phép phụ nữ Trung Quốc đến với đàn ông ngoại quốc. Thường chỉ có những người đàn ông ngoại quốc "bao dưỡng" những cô con gái nhà thuyền chài hoặc gái nhà thổ. Những người phụ nữ có dính líu với đàn ông châu Âu thì không thể sống trong khu người Hoa mà chỉ có thể đến ở khu vực đông người ngoại quốc như đường Queen hay Bonham, Hồng Kông. Bà Thi Đệ là con gái của gia đình làm nghề chài lưới (đản gia) gốc Bảo An, Thâm Quyến.[6]

Cả hai chung sống không hôn thú tại căn nhà trên đường D'Aguilar, Hồng Kông. Sau đó sinh ra 1 gái và 4 con trai: Hà Bách Nhan (con gái), nhà tư sản mại bản nổi tiếng Hà Đông (Robert HoTung Bosman), Hà Khải Phúc (Walter Bosman), Hà Khải Mãn và Hà Khải Giai.[7]

Mặc dù ông Hà Đông là một đứa trẻ lai nhưng luôn coi mình là người Trung Quốc. Một trăm năm trước, cậu bé Hà Đông đã hỏi cha mình: "Tại sao người Anh lại coi thường người Trung Quốc?", ông Hà Sĩ Văn nói: "Bởi vì người Trung Quốc nghèo." Câu nói này làm ông Hà Đông thật khó quên, đã trở thành động lực của suốt cuộc đời.[8]

Ngoài ra, Hà Sĩ Văn rời Hồng Kông sang Anh và để lại mẹ con bà Thi Đệ, tình cảm cha con xa cách, bản thân anh em ông Hà Đông được mẹ nuôi nấng. Vì vậy gia tộc Robert Hà Đông đã kế thừa chế độ mẫu hệ, tự nhận là người gốc Bảo An, Thâm Quyến.

Gia đình

Ông nội của Hà Hồng Sân tên là Hà Khải Phúc kết hôn với bà La Thụy Thái (Lucy Rothwell), chị ruột của nhà tư sản La Trường Triệu (羅長肇), thuộc thế hệ con lai Âu Á đầu tiên tại Hồng Kông, con gái của thương nhân người Anh Thomas Rothwell (phiên âm sang tiếng Quảng Đông là La Phú Hoa) với một phụ nữ Trung Quốc.[9]

Hà Hồng Sân là con thứ 9 trong số 13 người con của ông Hà Thế Quang, thành viên Hội đồng lập pháp Hồng Kông, cựu chủ tịch của bệnh viện Đông Hoa Tam Viện (Tung Wah Group of Hospitals). Mẹ là Tiển Hưng Vân (Flora Hall, 冼興雲), con gái của ông Stephen Hall (Tiển Đức Phần, 冼德芬, 1856—1925), nhà sáng lập tập đoàn Tung Wah Group of Hospitals. Ông ngoại của Hà Hồng Sân là người lai Trung-Anh, con trai thương nhân người Anh Stephen Prentis Hall.[10][11]

Do bà cố hai bên nội ngoại đều là những phụ nữ người Trung Quốc sinh con với người ngoại quốc nên có mối quan hệ thân thiết từ đó tạo dựng tình bạn cho thế hệ con cái. Quan hệ giữa hai gia tộc họ La và họ Hà gắn kết bằng kinh doanh và hôn phối.

  • Ông nội Hà Khải Phúc
  • Ông ngoại Tiển Đức Phần
  • La Trường Triệu

Thời niên thiếu

Hà Hồng Sân sinh ra tại Hồng Kông trong gia cảnh giàu có, thời điểm thịnh vượng nhất có tới 17 người giúp việc.[12] Ông từng chia sẻ rằng:"Gia đình có quá nhiều tiền, được chiều đến hư. Đầu tiên chúng tôi có ô tô rồi lại đến du thuyền, ngôi nhà của chúng tôi nằm ở khu dân cư Mid-levels thượng lưu thuộc đảo Hồng Kông, sát đường Macdonnell (麦当劳道), dài đến mức có thể được sử dụng để chạy." [8]

Cuộc sống kiểu vậy đã kết thúc đột ngột khi Hà Hồng Sân 13 tuổi. Năm 1934, cha là Hà Thế Quang vỡ nợ vì chứng khoán, phải cầm cố tài sản và sang lánh nạn tại Việt Nam, gia cảnh sa sút. Hà Hông Sân nhớ lại biến cố khiến gia đình mình "ngập trong nợ nần chỉ sau một đêm" và nói: "Đêm đó, tôi đang ngủ say, và mẹ đột nhiên đánh thức tôi dậy, vừa khóc vừa nói với tôi: "A Cửu, chúng ta không còn tiền nữa". Tôi mở miệng và hỏi," Chuyện này là sao?." Mẹ đi theo và nói: "Con không cần học hành chăm chỉ nữa. Đến cuối năm, con sẽ phải ra ngoài tìm việc và làm việc". Tôi mất ngủ cả đêm hôm đó, không tin, tôi phải vật lộn, không còn lý do để làm bài kiểm tra hàng năm. Ông Hà Hồng Sân nói rằng cảm giác lúc đó chỉ có 3 từ để mô tả: Thật đáng buồn.

Khi đó, không có tiền đi xe buýt, đi bộ đến trường, không có tiền mua sách học, mọi cách chỉ có thể dựa vào học bổng. Ông nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn với các phóng viên: "Có lần tôi đi xe buýt, phải mất nửa ngày để tìm một xu, kết quả được cho là tiền giả, thật khổ sở."[8]

Hà Hồng Sân có kết quả học kém tại trung học Queen's College, Hồng Kông. Tại đây, ông được xếp vào lớp D - lớp có trình độ thấp nhất trong hệ thống các lớp ở Hồng Kông do kết quả không đạt yêu cầu. Sau khi nhận ra rằng học hành cần mẫn là cách duy nhất để cải thiện địa vị xã hội của mình[13] nên đến năm 1939, ông được nhận vào Đại học Hồng Kông.[14] Hà Hồng Sân đã trở thành học sinh đầu tiên từ lớp D được nhận học bổng vào đại học.[15] Việc học đại học đã bị gián đoạn do Chiến tranh thế giới thứ II.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hà_Hồng_Sân http://et.21cn.com/star/zhuixing/gangtai/2011/04/0... http://www.ccndnet.com/Browse/MainPage2.asp?id=112... http://www.chinareviewnews.com/doc/1001/9/3/2/1001... http://hk.crntt.com/crn-webapp/mag/docDetail.jsp?c... http://www.forbes.com/profile/stanley-ho http://hk.apple.nextmedia.com/enews/realtime/20141... http://chinaoutlook.scmp.com/gcoog/tradchi_article... http://www.shuntakgroup.com/ http://www.shuntakgroup.com/tc/about/chairman.asp http://www.sznews.com/culture/content/2009-05/26/c...